CHÙA HỮU LẠC
10/01/2024 09:38
   
CHÙA HỮU LẠC
Chùa Hữu Lạc tọa lạc ở cồn Bình Xuyên, làng Hữu Lạc, nay là thôn Bắc Tiến, xã Kỳ Bắc, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh. Kỳ Bắc có truyền thống văn hóa từ lâu đời; từ xưa đến nay, xã là địa điểm sinh hoạt văn hóa của trò kiều, tuồng, hát sắc bùa, dân ca, ví đối đáp. Xã là nơi ra đời chi bộ Đảng đầu tiên của huyện Kỳ Anh.

Phật giáo du nhập vào Việt Nam từ lâu đời và được người dân tiếp nhận một cách tự nguyện bởi giáo lý thấm đượm tính nhân văn và gần gũi với tâm hồn Việt. Chùa Hữu là  ngôi chùa có những nét chung của chùa làng ở Hà Tĩnh, lại mang những nét riêng khi nó gắn liền với lịch sử và văn hóa của địa phương. Di tích là kết quả lao động sáng tạo của nhân dân nhằm phục vụ nhu cầu văn hóa tâm linh.

Theo sách Địa chí huyện Kỳ Anh, đạo Phật đến đất Kỳ Anh khá muộn. Chùa chiền được thành lập ở đây cuối Lê, đầu Nguyễn. Chùa có sớm thì cũng có sau chiến tranh Trịnh – Nguyễn (thế kỷ XVII). Sách Đại Nam nhất thống chí viêt thời Tự Đức chỉ chép 3 ngôi chùa ở Kỳ Anh như chùa Bàn Độ ở chân núi Bàn Độ, thôn Phú Duyệt, chùa Phú Dẫn, chùa Lý Nhân. Ngoài ra, Kỳ Anh còn có chùa Biểu Duệ (Kỳ Tân), chùa Thanh Sơn (Kỳ Văn), chùa Ngưu Sơn (Kỳ Nam), chùa Mỹ Lý (Vọng Liễu)… Các chùa đã phế tích hoặc hư hỏng, chỉ còn một số rất ít như chùa Phúc Toàn (chùa Dền) ở Kỳ Châu, chùa Hữu Lạc ở Kỳ Bắc.

Đường đi vào Chùa được treo cờ ngũ sắc trông rất đẹp và thân thiện

 Chùa Hữu Lạc là địa điểm sinh hoạt văn hóa tâm linh gắn liền với lịch sử địa phương. Làng Hữu Lạc cùng với các làng xung quanh lập nên xứ Voi hình thành từ lâu đời. Trong thời kỳ phong kiến có trạm Tĩnh Lạc, nơi nghỉ chân của các vị quan lại và nhân dân trên đường thiên lý Bắc – Nam và trại huấn luyện voi chiến Tuần Tượng. Cư dân làng Hữu lạc đông đúc vì đất đai màu mỡ và đường sá đi lại thuận tiện. Hữu Lạc có chợ Voi sầm uất, nơi giao thương của nhân dân trong vùng.

Chợ Voi gạo trắng nước trong

Ai về voi chợ thong dong con người


Vào thời kỳ hoạt động bí mật của Đảng, làng Hữu Lạc là trung tâm giao lưu của các xã phía nam Cẩm Xuyên và bắc Kỳ Anh. Các đảng viên cộng sản ở Cẩm Xuyên thường bí mật vào Voi để xây dựng phong trào kết nạp đảng viên mới và kêu gọi quần chúng đấu tranh. Chùa Hữu Lạc âm u, yên tĩnh, nơi các đồng chí lợi dụng lễ chùa để bàn kế hoạch hoạt động. Chùa Hữu Lạc đã trở thành nơi họp đảng viên. Tại chùa Hữu Lạc có cơ sở in vơi các bàn in bằng đá in các tài liệu bí mật của Đảng. Từ những cuộc họp bí mật ở chùa Hữu Lạc, phong trào của Đảng được cũng cố và phát triển để đến năm 1930 mới có hội nghị thành lập Đảng bộ huyện Kỳ Anh tại đền Phương Giai.

Chuông đồng rất lớn và giá trị

Khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, chính quyền còn non trẻ, đời sống nhân dân còn khó khăn, lực lượng du kích đầu tiên ở Kỳ Anh thành lập để bảo vệ chính quyền và tham gia kháng chiến. Lực lượng vũ trang đầu tiên của Kỳ Anh do ông Nguyễn Tiến Chương phụ trách, được tổ chức huấn luyện ở chùa Hữu Lạc nhằm giúp anh em chiến sĩ nắm được kỹ, chiến thuật, nắm được đường lối quân sự của Đảng. Nhờ vậy, lực lượng này đã góp phần giữ vững an ninh, chính trị, tham gia kháng chiến. Phong trào bình dân học vụ phát triển, chùa Hữu Lạc được dùng làm lớp học, thu hút nhiều tầng lớp: già, trẻ, trai, gái đến tham gia xóa mù chữ.

20 năm kháng chiến chống Mỹ, vùng Voi là trọng điểm đánh phá ác liệt của máy bay, tàu chiến Mỹ. Vùng Voi, Kỳ Xuân, Kỳ Bắc là điểm quan trọng của tuyến đường Quốc lộ 1A nên ngày nào cũng có bộ đội hành quân, xe đạn, xăng dầu, lương thực, đạn dược được trung chuyển qua đây phục vụ miền Nam chiến đấu. Chùa Hữu Lạc cũng là nơi tập kết, nghỉ chân của đồng bào Vĩnh Linh, Quảng Trị sơ tán ra Bắc trong thời kỳ chiến tranh ác liệt (1966 – 1968).

Hòa bình lập lại, vùng Bình Xuyên, Hữu Lạc được làm nơi đón tiếp thương bệnh binh từ miền Nam ra để anh em dừng chân an nghỉ, điều trị ổn định sức khỏe, rồi chuyển tiếp lên tuyến trên của quân khu, bệnh viện cao cấp của quân đội.

Tôn tượng Bồ Tát lộ thiên

Về sinh hoạt văn hóa tâm linh, chùa Hữu Lạc là một chùa làng không có sư trụ trì. Chùa do nhân dân xây dựng. Làng cử người sãi chùa túc trực trông coi hương khói, dọn dẹp chùa, hướng dẫn nhân dân hành lễ. Hàng tháng vào ngày sóc vọng, dân làng đem dâng Phật quả phẩm, xôi,oản rồi để lại như phần đóng góp để nuôi sãi chùa. Người làng không cần đi tu, không cần trai giới, không cần ăn chay, tụng kinh gõ mõ, lần tràng hạt như các vị sư, chủ tiểu mà mọi người thường niệm “A Di Đà Phật” coi như lời răn dạy thường xuyên của đức Phật để nhắc nhở mỗi người giác ngộ, hướng tới cái thiện, tu nhân tích đức. Nhờ đó, Phật giáo ở chùa Hữu Lạc gần gũi với người dân, tính chất nhập thể của nó càng sâu sắc, càng đậm nét. Mọi giáo lý cao siêu của nhà Phật được dân gian hóa tại chùa Hữu Lạc. Dân gian hóa trong khi hành đạo kết hợp với đức đại từ, đại bi của nhà Phật, kết hợp với lòng nhân ái của dân làng “thương người như thể thương thân”, “ở hiền để đức cho con”, “cứu một mạng người phúc đẳng hà sa”, “thiện giả thiện tai, ác giả ác báo”… đã làm cho chùa Hữu Lạc trở thành địa điểm sinh hoạt văn hóa tâm linh không thể thiếu được với người dân địa phương.

Bàn thờ Phật

Chùa Hữu Lạc ngoảnh mặt về hướng Nam, mát mẽ về mùa hạ, ấm áp về mùa đông. Phía sau tựa lưng vào dãy núi Kỳ Đầu (núi Bằng Sư). Trước mặt là khe Thăng Làn (Thặng Lặng) uốn lượn, nước trong xanh và dãy Cồn Đá làm tiền án. Núi Voi (Ngọc Thạch) chầu về phía bên phải, núi Hương chầu  về phía bên trái, trông rất đẹp và uy nghiêm.

Chùa Hữu Lạc nằm trong quần thể  di tích lịch sử - văn hóa làng Hữu Lạc xưa: Miếu thờ thần Nông, điện thờ Thánh Mẫu, chùa Hữu Lạc. So với chùa Yên Lạc ở xã Cẩm Nhượng – Cẩm Xuyên, chùa Dền ở xã Kỳ Châu – Kỳ Anh thì chùa Hữu Lạc cùng thời.

Bàn thờ Chính điện

 Xưa kia, chùa Hữu Lạc kết cấu theo lối chữ Nhị (二). Ngoài cổng tam quan đi vào là bệ đặt tượng Phật, nhà chờ đón khách 3 gian, nhà giữa có 3 gian bằng gỗ lim 4 vì, 8 cột, mái lợp ngói âm dương dùng tổ chức lễ và thượng điện đặt các tượng đúng quy định của nhà Phật. Hai bên thượng điện là tả vu, hữu vu đặt các pho tượng nhỏ. Phía hai bên nhà trung điện có miếu thờ cúng cô hồn và miếu ghi công thờ người có công góp tiền lập chùa. Tòa thượng điện bố trí theo chiều dọc, toàn bộ đều được làm bằng đá núi. Từ ngoài  là nhìn vào, phía trước chùa là bàn thờ ngoài trời được chia làm 2 cấp. Mặt tiền thượng điện trổ 3 cửa vào, phía trên gắn 3 chữ Hán: 有樂寺 (Hữu Lạc tự) bằng mảnh gốm theo phong cách thời Nguyễn. Nằm xen kẻ ở giữa các cửa là cột quyết giả được tạo bằng cách đắp gờ trang trí, phía trên chạm các đôi câu đối như sau:

          Nguyên văn:

誠心香燈洳德佛

泈道奉事得平安

          Phiên âm:

Thành tâm hương đăng nhờ đức Phật

Trọn đạo phụng sự đắc bình an

          Tạm dịch:

Thành tâm dâng hương nhờ đức Phật

Trọng đạo thờ phụng sẽ bình yên

          Nguyên văn:

灵清彰日月

殿廟壽山河

          Phiên âm:

Linh thanh chương nhật nguyệt

Điện miếu thọ sơn hà

          Tạm dịch:

Khí tinh anh sáng tỏ chùng nhật nguyệt

Đền miếu trường tồn với núi sông.

Thượng điện cao 3,90m, được bít đốc 2 đầu với 12 cột bê tông. Các đốc được xây dày 0,35m, tường bao dày 0,30m. Vì kết cấu kiểu vì kèo.

Nội thất chùa chủ yếu được bố trí ở 3 gian trong cùng, gian ngoài dùng để hành lễ. Ở không gian được giới hạn bởi 2 hàng cột cái 3 gian trong cùng, người ta xây ban thờ theo kiểu hương án, chia thành nhiều cấp bậc cao dần. Bậc cao nhất đặt bộ tượng tam thế, tiếp đó đặt 6 tượng còn lại và các đồ tế khí khác.

Chính điện vừa mới được xây dựng rất đẹp

Từ năm 2014 đến nay, dưới sự trụ trì của Đại đức Thích Chúc Cường với sự đóng góp của các nhà hảo tâm, chùa Hữu Lạc được tôn tạo ngày một khang trang. Khuôn viên chùa được mở rộng và xây dựng thêm nhiều công trình phụ trợ khác nhằm đáp ứng nhu cầu văn hóa tâm linh ngày càng cao của nhân dân địa phương. Tương lai chùa Hữu Lạc sẽ tổ chức các Lễ hội Phật giáo cũng như là nơi để người dân thắp hương lễ phật, vãn cảnh để có được chốn than bình, an lạc trong tâm.

Hồ nước phong thủy trong xanh và yên bình, hồ nuôi rất nhiều cá

Một góc khác của hồ

Với những giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học như trên, chùa Hữu Lạc đã được UBND tỉnh Hà Tĩnh công nhận là di tích lich sử văn hóa cấp tỉnh tại Quyết định số 2648/QĐ – UBND ngày 13 tháng 11 năm 2006./.

Nguồn: Trang TTĐT giới thiệu lịch sử

 Người đang truy cập: 51
 Tổng số truy cập: 2411787