MỘT SỐ CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT CÓ HIỆU LỰC TỪ THÁNG 03/2023
04/03/2023 10:10
   
MỘT SỐ CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT CÓ HIỆU LỰC TỪ THÁNG 03/2023
Trong tháng 03/2023 có 01 Luật, 02 Nghị quyết, 02 Nghị định , 06 Quyết định, 43 Thông tư chính thức có hiệu lực, sau đây là một số văn bản, chính sách quan trọng liên quan đến việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và liên quan mật thiết đến đời sống của Nhân dân:

1. Luật Phòng, chống rửa tiền số 14/2022/QH15 được thông qua tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, ngày 15/11/2022.

Theo đó, Luật mới đã bổ sung thêm loạt dấu hiệu liên quan đến hoạt động rửa tiền trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Đơn cử có thể kể đến như:

- Trong lĩnh vực chứng khoán, bổ sung dấu hiệu:

+Người không cư trú thanh lý hợp đồng ủy thác đầu tư chứng khoán để chuyển tiền ra khỏi Việt Nam.

+ Khách hàng thường xuyên bán tất cả cổ phiếu trong danh mục đầu tư và đề nghị công ty chứng khoán ký ủy nhiệm chi để khách hàng rút tiền mặt từ ngân hàng thương mại

+Nhà đầu tư nước ngoài cư trú ở quốc gia, vùng lãnh thổ có rủi ro cao về rửa tiền góp vốn thành lập quỹ đầu tư chứng khoán, công ty đầu tư chứng khoán tại Việt Nam.

- Trong lĩnh vực trung gian thanh toán, quy định các dấu hiệu gồm:

+ Có sự thay đổi đột biến trong doanh số giao dịch trên ví điện tử; tiền nạp vào và rút ra nhanh khỏi ví điện tử; doanh số giao dịch lớn trong ngày nhưng số dư ví điện tử rất nhỏ hoặc bằng không.

+ Ví điện tử của khách hàng đột nhiên nhận được một khoản tiền nạp vào có giá trị lớn bất thường.

+ Các giao dịch trực tuyến qua ví điện tử liên tục thay đổi về thiết bị đăng nhập hoặc địa chỉ IP,…

Luật có hiệu lực từ ngày 01/3/2023

2. Nghị định số 02/2023/NĐ-CP ngày 01/02/2023 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật tài nguyên nước.

Theo quy định mới, các trường hợp công trình khai thác, sử dụng tài nguyên nước phải đăng ký, bao gồm:

Thứ nhất, hồ chứa, đập dâng thủy lợi có dung tích toàn bộ từ 0,01 - 0,2 triệu m3 hoặc công trình khai thác, sử dụng nước mặt khác cho mục đích sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản (không bao gồm các mục đích khác có quy mô thuộc trường hợp phải cấp phép) với lưu lượng khai thác lớn hơn 0,1 - 0,5 m3/giây.

Thứ hai, khai thác, sử dụng nước biển phục vụ các hoạt động sản xuất trên đất liền bao gồm cả nuôi trồng thủy sản, kinh doanh, dịch vụ với quy mô trên 10.000 - 100.000 m3/ngày đêm.

Thứ ba, sử dụng nước dưới đất tự chảy trong moong khai thác khoáng sản để tuyển quặng mà không gây hạ thấp mực nước dưới đất hoặc bơm hút nước để tháo khô lượng nước tự chảy vào moong khai thác khoáng sản.

Thứ tư, khai thác, sử dụng nước dưới đất thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản 2 Điều 16 Nghị định này và các trường hợp quy định tại điểm a, điểm d khoản 1 Điều 44 Luật Tài nguyên nước nằm trong danh mục vùng hạn chế khai thác nước dưới đất do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh công bố.

Bên cạnh đó, trước khi xây dựng công trình khai thác nước dưới đất hoặc điều chỉnh tăng lưu lượng khai thác vượt quá 25% lưu lượng quy định trong giấy phép khai thác, sử dụng nước dưới đất đã cấp mà có khoan bổ sung giếng khai thác, chủ đầu tư phải thực hiện thăm dò để đánh giá trữ lượng, chất lượng, khả năng khai thác và phải có giấy phép thăm dò, trừ các trường hợp khai thác, sử dụng nước dưới đất không phải xin cấp phép.

Nghị định này có hiệu lực từ ngày 20/3/2023.

3. Thông tư số 07/2023/TT-BQP ngày 27/01/2023 của Bộ Quốc phòng hướng dẫn thực hiện một số điều của nghị định số 120/2013/NĐ-CP ngày 09 tháng 10 năm 2013 của chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quốc phòng, cơ yếu và nghị định số 37/2022/NĐ-CP ngày 06 tháng 6 năm 2022 của chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quốc phòng, cơ yếu; quản lý bảo vệ biên giới quốc gia; trên các vùng biển, đảo và thềm lục địa của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam

Theo đó, Điều 4 Thông tư 07/2023/TT-BQP ghi nhận cụ thể các trường hợp được coi là có “lý do chính đáng” để không bị phạt khi vắng mặt trong buổi khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự, không có mặt đúng thời gian hoặc địa điểm tập trung ghi trong lệnh gọi nhập ngũ,… bao gồm:

(1) Người thực hiện nghĩa vụ quân sự bị ốm đau, tai nạn hoặc trên đường đi bị ốm đau, tai nạn phải điều trị tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

(2) Thân nhân của người thực hiện nghĩa vụ quân sự, gồm: Cha đẻ, mẹ đẻ; cha nuôi, mẹ nuôi; cha vợ, mẹ vợ hoặc cha chồng, mẹ chồng; người nuôi dưỡng hợp pháp; vợ/chồng; con đẻ, con nuôi hợp pháp bị ốm đau, tai nạn nặng đang điều trị tại cơ sở khám, chữa bệnh.

(3) Thân nhân của người thực hiện nghĩa vụ quân sự chết nhưng chưa tổ chức tang lễ hoặc tang lễ chưa kết thúc.

(4) Nhà ở của người thực hiện nghĩa vụ quân sự hoặc nhà ở của thân nhân người thực hiện nghĩa vụ quân sự nằm trong vùng đang bị thiên tai, dịch bệnh, hỏa hoạn làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống.

(5) Người thực hiện nghĩa vụ quân sự không nhận được lệnh hoặc nhận được lệnh, nhưng trong lệnh không ghi rõ thời gian, địa điểm do lỗi của người hoặc cơ quan có trách nhiệm, hoặc do người khác có hành vi cản trở.

Thông tư có hiệu lực từ ngày  14/3/2023

4.Thông tư số 04/2023/TT-BTC của Bộ Tài chính ngày 19/01/2023 hướng dẫn quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội

Theo đó, tiền công đức, tài trợ sẽ được tiếp nhận theo một trong 04 phương thức sau:

(1) Tiếp nhận bằng phương thức chuyển khoản:

Cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo phải mở tài khoản tiền gửi tại Kho bạc Nhà nước hoặc ngân hàng thương mại.

(2) Tiếp nhận tiền mặt:

Cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo phải cử người tiếp nhận, mở sổ ghi chép đầy đủ số tiền đã tiếp nhận. Đối với tiền trong hòm công đức hoặc tiền đặt không đúng nơi quy định thì gom chung và định kỳ hằng ngày hoặc hằng tuần thực hiện kiểm đếm, ghi tổng số tiền tiếp nhận.

(3) Tiếp nhận giấy tờ có giá:

Cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo mở sổ ghi tên giấy tờ có giá, số tiền ghi trên giấy tờ có giá, tổ chức phát hành.

(4) Tiếp nhận kim khí quý, đá quý:

Cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo phải mở sổ ghi tên kim khí quý, đá quý và giá trị tương ứng theo tài liệu do tổ chức, cá nhân hiến, tặng cho cung cấp.

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 19/03/2023.

5. Thông tư số 24/2022/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động thương binh xã hội ngày 30/11/2022 quy định việc bồi dưỡng bằng hiện vật đối với người lao động làm việc trong điều kiện có yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại .

Cụ thể, theo Điều 24 Luật An toàn, vệ sinh lao động , người lao động làm việc trong điều kiện có yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại sẽ được người sử dụng lao động bồi dưỡng bằng hiện vật. Tại Thông tư số 24/2022/TT-BLĐTBXH mức bồi dưỡng bằng hiện vật được tính theo định suất hàng ngày và có giá trị bằng tiền sẽ tăng so với quy định hiện hành từ ngày 01/3/2023

Mức bồi dưỡng này hiện được chia theo 04 mức, giá trị của mỗi suất được xác định như sau:

 

Đến hết ngày 28/02/2023

Từ ngày 01/3/3023

Mức tăng

(người/ngày)

Mức 1

10.000 đồng/người/ngày

13.000 đồng/người/ngày

3.000 đồng

Mức 2

15.000 đồng/người/ngày

20.000 đồng/người/ngày

5.000 đồng

Mức 3

20.000 đồng/người/ngày

26.000 đồng/người/ngày

6.000 đồng

Mức 4

25.000 đồng/người/ngày

32.000 đồng/người/ngày

7.000 đồng

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 01/03/2023.

6. Thông tư số 20/2022/TT-BKHCN ngày 30/12/2022 của Bộ Khoa học và Công nghệ về việc quy định Danh mục và thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác trong cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc lĩnh vực khoa học và công nghệ tại chính quyền địa phương

Thông tư nêu rõ, danh mục vị trí công tác định kỳ chuyển đổi lĩnh vực KH&CN tại địa phương bao gồm:

(1)- Quản lý các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và công nghệ:

+ Tiếp nhận, xử lý hồ sơ xác định, đặt hàng, tuyển chọn, giao trực tiếp, đánh giá, nghiệm thu nhiệm vụ khoa học và công nghệ;

+ Tiếp nhận, xử lý hồ sơ thẩm định kinh phí nhiệm vụ khoa học và công nghệ;

+ Kiểm tra, đánh giá quá trình thực hiện và sau nghiệm thu các nhiệm vụ khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước;

+ Thẩm định cấp giấy chứng nhận đăng ký kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ.

(2)- Thẩm định, giám định công nghệ dự án đầu tư và chuyển giao công nghệ:

+ Thẩm định, giám định công nghệ dự án đầu tư theo quy định pháp luật;

+ Thẩm định cấp giấy chứng nhận đăng ký chuyển giao công nghệ, cấp giấy chứng nhận đăng ký gia hạn, sửa đổi, bổ sung nội dung chuyển giao công nghệ.

(3)- Hoạt động an toàn bức xạ và hạt nhân:

+ Quản lý và thực hiện việc tiếp nhận khai báo, thẩm định an toàn, cấp giấy phép, sửa đổi, bổ sung, gia hạn, cấp lại giấy phép tiến hành công việc bức xạ sử dụng thiết bị X-quang chẩn đoán trong y tế;

+ Cấp chứng chỉ nhân viên bức xạ cho người phụ trách an toàn tại cơ sở X- quang chẩn đoán trong y tế.

(4)- Hoạt động sở hữu trí tuệ: Thẩm định cấp, cấp lại, thu hồi Giấy chứng nhận tổ chức giám định sở hữu công nghiệp theo quy định pháp luật.

(5)- Hoạt động tiêu chuẩn đo lường chất lượng:

+ Thẩm định hồ sơ cấp giấy chứng nhận, giấy xác nhận, giấy phép trong lĩnh vực tiêu chuẩn đo lường chất lượng theo quy định;

+ Thẩm định cấp giấy xác nhận đăng ký lĩnh vực hoạt động xét tặng giải thưởng chất lượng sản phẩm, hàng hóa của tổ chức, cá nhân; Thẩm định hồ sơ đăng ký tham dự Giải thưởng chất lượng quốc gia của tổ chức, doanh nghiệp bước Hội đồng sơ tuyển.

(6)- Thẩm định, cấp, gia hạn, sửa đổi, bổ sung, thu hồi, hủy bỏ Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động khoa học và công nghệ; Giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ. Thẩm định hồ sơ thành lập tổ chức khoa học và công nghệ; cấp giấy chứng nhận hoạt động văn phòng đại diện, chi nhánh của tổ chức khoa học và công nghệ.

(7)- Hợp tác, trao đổi khoa học và công nghệ có yếu tố nước ngoài.

Thông tư nêu rõ thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với công chức, viên chức trực tiếp tiếp xúc và giải quyết công việc nêu trên là từ đủ 02 năm đến 05 năm. Thời điểm tính thời hạn chuyển đổi vị trí công tác là thời điểm có văn bản điều động, bố trí, phân công nhiệm vụ của cấp có thẩm quyền theo quy định pháp luật.

Thông tư có hiệu lực từ ngày 15/3/2023

7. Thông tư số 06/2023/TT-BTC ngày 31/01/2023 của Bộ Tài chính về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 36/2018/TT-BTC ngày 30/3/2018 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí dành cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức

Cụ thể, tại quy định về mức chi bồi dưỡng cán bộ công chức (CBCC) trong nước, bổ sung vào nội dung “Các khoản chi phí theo thực tế phục vụ trực tiếp lớp học” tại điểm i Khoản 2 Điều 5 Thông tư 36/2018/TT-BTC các chi phí sau: Chi tạo lập mới hoặc thuê hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ đào tạo, bồi dưỡng trực tuyến từ xa; Chi số hóa tài liệu phục vụ trực tiếp đào tạo, bồi dưỡng trực tuyến từ xa; và Chi mua vật tư, nguyên nhiên vật liệu thực hành đối với các lớp học cần sử dụng vật tư, nguyên nhiên vật liệu thực hành.

Ngoài ra, chi hoạt động quản lý trực tiếp các lớp bồi dưỡng CBCC của các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng hoặc các cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ mở lớp đào tạo, bồi dưỡng được quy định như sau:

Cơ sở đào tạo, bồi dưỡng hoặc cơ quan tổ chức lớp đào tạo, bồi dưỡng CBCC được phép trích tối đa không quá 10% trên tổng kinh phí của mỗi lớp học và được tính trong phạm vi nguồn kinh phí đào tạo, bồi dưỡng được phân bổ để chi hoạt động quản lý trực tiếp các lớp bồi dưỡng CBCC (quy định tại gạch đầu dòng thứ 14 điểm a Khoản 3 Điều 4 Thông tư 36/2018/TT-BTC).

Kinh phí phục vụ quản lý lớp học không chi hết, cơ sở đào tạo, bồi dưỡng, cơ quan tổ chức lớp bồi dưỡng được chủ động sử dụng cho các nội dung khác có liên quan phục vụ nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng CBCC.

Thông tư có hiệu lực từ ngày 20/03/2023

8. Thông tư số 19/2022/TT-NHNN ngày 30/12/2022 của Ngân hàng nhà nước Việt Nam hướng dẫn vị trí việc làm công chức nghiệp vụ chuyên ngành ngân hàng trong cơ quan, tổ chức hành chính thuộc ngành, lĩnh vực ngân hàng

Theo đó, danh mục 08 vị trí việc làm công chức nghiệp vụ chuyên ngành Ngân hàng như sau:

- Vị trí việc làm về hoạch định và thực thi chính sách tiền tệ, ngân hàng;

- Vị trí việc làm về quản lý hoạt động công nghệ ngân hàng;

- Vị trí việc làm về nghiệp vụ ngân hàng Trung ương;

- Vị trí việc làm về thanh tra, giám sát ngân hàng;

- Vị trí việc làm về kiểm soát ngân hàng;

- Vị trí việc làm về phòng, chống rửa tiền;

- Vị trí việc làm về tiền tệ, ngân hàng quốc tế;

- Vị trí việc làm về quản lý tổ chức tín dụng.

Bản mô tả công việc và khung năng lực của từng vị trí việc làm công chức nghiệp vụ chuyên ngành Ngân hàng trong cơ quan, tổ chức hành chính nêu trên được quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư 19/2022/TT-NHNN .       Thông tư này có hiệu lực từ ngày 01/3/2023.


Nguồn: Theo Phòng Tư pháp huyện

 Người đang truy cập: 53
 Tổng số truy cập: 2446949