Thành ủy TPHCM vừa tổ chức hội nghị quán triệt triển khai công tác chuẩn bị và tiến hành đại hội đảng bộ cơ sở và cấp trên cơ sở nhiệm kỳ 2020 – 2025. Theo đó, thời gian tiến hành Đại hội đảng viên hoặc Đại hội đại biểu cơ sở của Đảng bộ thành phố bắt đầu từ ngày 15/3/2020. Đại hội đại biểu đảng bộ cấp quận huyện và cấp trên cơ sở bắt đầu từ tháng 6/2020, hoàn thành trước ngày 31/8/2020. Thời gian tổ chức đại hội điểm đối với các đảng bộ cơ sở hoàn thành trước ngày 1/3/2020; đối với đảng bộ cấp trên cơ sở thì hoàn thành trước ngày 1/5/2020.
Từ nay đến đại hội các cấp, thời gian không còn nhiều, lại gắn với các hoạt động kiểm điểm, phân tích chất lượng cơ sở đảng và đảng viên cuối năm 2019, thực hiện việc chăm lo Tết Canh Tý 2020… nên có thể nói việc chuẩn bị đại hội đảng các cấp là rất gấp rút. Quá trình đó, cấp ủy các cấp, các đảng viên phải thực hiện nhiều nhiệm vụ quan trọng như xây dựng văn kiện, xây dựng đề án nhân sự cho cấp ủy mới, góp ý dự thảo báo cáo chính trị cấp trên, thực hiện các công trình chào mừng đại hội, bố trí công tác cho các cán bộ không tham gia tái cử… Quá trình đó đòi hỏi sự tham gia rất chủ động và tích cực của tất cả các đảng viên.
Khoản 2 Điều 9 Điều lệ Đảng được Đại hội Đảng lần thứ XI thông qua đã nêu rõ: “Cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng là Đại hội đại biểu toàn quốc. Cơ quan lãnh đạo ở mỗi cấp là đại hội đại biểu hoặc đại hội đảng viên”. Khoản 2 Điều 12 quy định về công việc của đại hội đảng: “Đại hội thảo luận văn kiện của cấp ủy cấp trên; đánh giá kết quả thực hiện nghị quyết nhiệm kỳ vừa qua; quyết định nhiệm vụ nhiệm kỳ tới; bầu cấp ủy; bầu đại biểu đi dự đại hội cấp trên”. Như vậy, đại hội là một thiết chế rất quan trọng, vừa kiểm điểm việc thực hiện nhiệm vụ của nhiệm kỳ trước, đề ra phương hướng hoạt động trong nhiệm kỳ mới vừa bầu ra bộ máy lãnh đạo mới để thực hiện phương hướng đó và các nhiệm vụ khác; đại hội cũng bầu ra các đại biểu dự đại hội cấp trên, tức là để tham gia quyết định những vấn đề quan trọng của đại hội cấp trên. Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng còn thảo luận những vấn đề có tính nguyên tắc trong hoạt động của Đảng (thông qua Điều lệ Đảng) và những định hướng mang tính chiến lược trong xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước.
Trong khi đó, khoản 5 Điều 11 quy định: “Đại biểu dự đại hội phải được đại hội thẩm tra tư cách và biểu quyết công nhận. Cấp ủy triệu tập đại hội không được bác bỏ tư cách đại biểu do đại hội cấp dưới bầu, trừ trường hợp đại biểu đang bị đình chỉ sinh hoạt đảng, đình chỉ sinh hoạt cấp ủy, bị khởi tố, truy tố, tạm giam” và khoản 6 và Điều 11 quy định: “ Đại hội chỉ hợp lệ khi có ít nhất hai phần ba số đại biểu hoặc đảng viên được triệu tập tham dự và có ít nhất hai phần ba số tổ chức đảng trực thuộc có đại biểu tham dự”. Quy định này khẳng định vị trí pháp lý và vai trò quan trọng của đại biểu dự đại hội, bao gồm cả việc các đại biểu phải tham dự đủ số lượng cần thiết thì đại hội mới có thể tiến hành, đồng thời đại biểu có những quyền “đặc biệt” mà tư cách đại biểu phải do một tổ chức của đại hội bầu ra (là ban thẩm tra tư cách đại biểu) thẩm định và do đại hội biểu quyết; cấp ủy triệu tập đại hội không thể bác bỏ tư cách đó của đại biểu, trừ trường hợp đại biểu có những vi phạm theo quy định.
Chính vì tính chất quan trọng của đại hội đảng như thế, rất cần phát huy vai trò, trách nhiệm một cách cao độ của tất cả các đảng viên trong việc tham gia tổ chức đại hội cũng như thể hiện trong suốt quá trình diễn ra đại hội. Phải tránh tâm lý xem đại hội là công việc của cấp ủy, của những bộ phận và cá nhân được phân công, mà phải xác định đại hội là công việc, là trách nhiệm của bản thân mỗi đảng viên. Vì vậy, mỗi đảng viên cần tích cực tham gia công tác chuẩn bị đại hội.
Việc chuẩn bị đại hội thường được giao cho một bộ phận hoặc một số cá nhân phụ trách, tuy nhiên các đảng viên không được phân công vẫn có thể tham gia vào việc đóng góp tích cực cho các dự thảo văn kiện, các đề án nhân sự, chuẩn bị ý kiến phát biểu tại đại hội… Bởi những vấn đề được quyết định tại đại hội có thể có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của địa phương, cơ quan, đơn vị nên các đảng viên cần nghiên cứu kỹ tất cả các đề án, dự thảo; chỗ nào chưa rõ có thể trao đổi thêm với bộ phận soạn thảo, chỗ nào cần có ý kiến thì tìm hiểu cụ thể để có thể góp ý một cách rõ ràng, thuyết phục, chính xác.
Trong đó, việc xây dựng văn kiện tuy do một tiểu ban hoặc một tổ thực hiện nhưng thường được lấy ý kiến của nhiều đảng viên bằng nhiều hình thức. Ở các chi bộ bộ phận, đảng bộ bộ phận, chi bộ cơ sở và đảng bộ cơ sở, văn kiện thường được chuyển đến từng đảng viên góp ý, có nơi thực hiện 2 – 3 lần. Quá trình này có ý nghĩa phát huy trí tuệ tập thể và phát huy vai trò trách nhiệm của từng đảng viên. Do đó, mỗi đảng viên cần nghiêm túc nghiên cứu và đóng góp ý kiến một cách tích cực, có trách nhiệm để dự thảo văn kiện hoàn chỉnh nhất có thể.
Đối với công tác nhân sự, qua các bước thăm dò, giới thiệu trước đại hội, các đảng viên cũng cần mạnh dạn giới thiệu các đảng viên có năng lực, phẩm chất tốt, đủ các chuẩn chất của một cấp ủy viên theo quy định và phù hợp với cơ cấu được thông qua trước. Với các trường hợp có dư luận chưa tốt, trong điều kiện phù hợp, nhất là bằng sự trung thực và tinh thần trách nhiệm, các đảng viên cũng có thể lưu ý với cấp ủy đương nhiệm. Cần quán triệt tinh thần chỉ đạo của Bí thư Thành ủy TP Nguyễn Thiện Nhân tại Hội nghị ngày 9/11/2019: “Các đảng viên được chuẩn bị nhân sự cho nhiệm kỳ tới phải đảm bảo tính gương mẫu, việc chấp hành pháp luật của bản thân và gia đình”. Do đó, nếu đã phát hiện đảng viên được chuẩn bị giới thiệu tham gia cấp ủy mới có vi phạm pháp luật, có suy thoái về đạo đức lối sống… mà vẫn không có ý kiến thì có thể xem đây là một biểu hiện thiếu tích cực, lành mạnh.
Ngoài ra, các đảng viên cũng nên quan tâm nắm bắt tình hình tư tưởng, tâm trạng của cán bộ, đảng viên trong cơ quan, đơn vị và dư luận trong nhân dân về các vấn đề liên quan đến đại hội của cấp mình hoặc cấp trên. Qua đó, cần kịp thời phản ánh với cấp có thẩm quyền về những điều mình ghi nhận được để có những biện pháp xử lý phù hợp, nhằm góp phần giúp đại hội thành công tốt đẹp.